Hôn lễ “Vườn Trăm Năm” là đám cưới của 5 cặp đôi khuyết tật trên địa bàn TP.HCM, do nhóm 30 sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức vào tối 7/12. Đây là bài tập lớn thuộc môn Tổ chức sự kiện của nhóm.
Vì ấn tượng với đám cưới tập thể cho 120 cặp đôi là công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM vào năm 2012 nên Đinh Thụy Hà Giang – Phó Trưởng Ban tổ chức (BTC) đã đề xuất ý tưởng tổ chức đám cưới cho các cặp đôi khuyết tật.
Mặc dù ý tưởng này có khá nhiều rủi ro như chi phí cao, các thành viên chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức đám cưới cũng như việc tìm kiếm các cặp đôi khuyết tật đã đăng ký kết hôn nhưng chưa có điều kiện tổ chức đám cưới rất khó khăn, nhóm vẫn quyết định thử sức.
“Chỉ còn một tuần để báo cáo đề tài cho giảng viên mà tụi mình vẫn chưa tìm được cặp đôi nào. Nhóm đã chạy đôn chạy đáo đến nhiều nơi như UBND xã, Đoàn Thanh niên xã, trung tâm hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM nhưng đều bị từ chối chia sẻ thông tin” – Hồ Lê Ánh Nguyệt – Trưởng BTC nhớ lại.
Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của ông Võ Văn Anh – Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật TP.HCM, nhóm đã kết nối được với 5 cặp đôi phù hợp với các tiêu chí trên.
“Ngay khi tìm được 5 ‘mảnh ghép’, tụi mình đến thăm các cô chú để hiểu rõ hơn về câu chuyện của họ. Dù cuộc sống thiếu thốn, cơ thể không lành lặn nhưng các cô chú vẫn luôn yêu đời và thương mến nhau. Điều đó khiến tụi mình vô cùng xúc động và ngưỡng mộ. Đó cũng là động lực để tụi mình tổ chức hôn lễ này, như cô chú nói là thực hiện ước mơ cả đời của họ” – Ánh Nguyệt bộc bạch.
Để quản lý công việc tối ưu, nhóm đã chia thành 6 ban, gồm ban nội dung, kỹ thuật, truyền thông, đối ngoại, sản xuất, take care. Trong đó, ban nội dung và sản xuất chịu trách nhiệm lên ý tưởng chi tiết cho lễ cưới. Ban đối ngoại tìm kiếm các nhà tài trợ, mạnh thường quân cho sự kiện. Còn ban kỹ thuật và truyền thông thì đảm nhận khâu đăng tải thông tin về các cặp đôi, sự kiện trên các kênh thông tin như Facebook, TikTok, Email để lan tỏa chương trình đến cộng đồng. Nhóm cũng có ban take care hỗ trợ cho từng cặp đôi trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức lễ cưới.
Trong hơn 2 tháng, ngoài các công tác chuẩn bị cho lễ cưới, nhóm còn sản xuất các video phóng sự chia sẻ quá trình các cặp đôi khuyết tật quen biết, yêu thương nhau, những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống cũng như mong ước về một đám cưới.
Trưởng BTC lý giải: “Ngoài việc tổ chức lễ cưới, tụi mình còn muốn chia sẻ câu chuyện tình yêu, nghị lực vượt khó phi thường của các cặp đôi khuyết tật. Từ đó, thúc đẩy sự chia sẻ của cộng đồng với người khuyết tật cũng như giúp họ hòa nhập mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cộng đồng. Điều này cũng góp phần kêu gọi sự hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị để tổ chức đám cưới trọn vẹn nhất có thể cho các cô chú”.
Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp không ít trở ngại. Chẳng hạn, nhóm chủ yếu sống tại TP.Thủ Đức còn các cặp đôi thì ở Q.12, Q.Phú Nhuận hay huyện Hóc Môn nên đi lại rất khó khăn. Việc kêu gọi nhà tài trợ, mạnh thường quân cũng khá trắc trở. Những ngày đầu, nhóm gần như không nhận được phản hồi nào.
“24 giờ trước lễ cưới, tụi mình dốc toàn lực để trang trí sân khấu, chuẩn bị trang phục cho các cặp đôi. Có những bạn phải thức nguyên đêm để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Vất vả là thế nhưng khi chứng kiến khoảnh khắc các cô chú rưng rưng nước mắt, nắm tay nhau bước lên lễ đường, tụi mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nỗ lực của nhóm suốt 2 tháng qua là hoàn toàn xứng đáng” – Hồ Lê Ánh Nguyệt thổ lộ.
Lần đầu tiên nắm tay vợ bước vào lễ đường, anh Lâm Tấn Cảnh không khỏi bồi hồi và xúc động. Tình yêu của anh Tấn Cảnh và chị Võ Nguyễn Thị Thao từng không nhận được sự đồng ý của gia đình nhà vợ, bởi họ không muốn con gái cưới một người chồng khuyết tật. Nhưng vì thương mến nhau nên anh chị đã quyết định đăng ký kết hôn và dọn về sống chung một mái nhà. Anh Cảnh làm nghề bán vé số còn chị Thao thì bán rau ở chợ.
Dẫu vậy, sau hơn 20 năm chung sống và có hai người con, anh chị vẫn chưa có một đám cưới trọn vẹn do hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Nghe các bạn sinh viên muốn tổ chức đám cưới cho các cặp đôi khuyết tật, tôi hồi hộp lắm. Lần đầu tiên trong đời, tôi được mặc áo chú rể và vợ thì mặc váy cô dâu, được bước lên lễ đường sau hơn 20 năm chung sống. Các anh chị em trong dòng họ cũng tới thăm, gửi lời chúc trăm năm hạnh phúc, vợ chồng tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện. Hai bé nhà tôi cũng rất mừng khi ba mẹ được tổ chức đám cưới” – anh Cảnh tâm sự.
Đó cũng là tâm trạng của 4 cặp đôi khác tại hôn lễ “Vườn Trăm Năm”, gồm Nguyễn Nam Hải và Lê Thị Ái Vân, Huỳnh Minh Phụng và Nguyễn Thị Linh Phượng, Nguyễn Vũ Sơn và Nguyễn Thị Mỹ Dung, Hồ Tấn Vinh và Phạm Thị Mỹ Tiên. Đối với họ, lễ cưới này là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.
Tại hôn lễ, mỗi khách mời được nhận một túi hạt giống hoa lưu ly. Sau đó, khách mời sẽ gửi lại một phần hạt giống hoa cho các cặp đôi, để họ thực hiện nghi thức tưới nước vào mầm hoa thay cho nghi thức rót rượu thường thấy.
“Hoa lưu ly biểu trưng cho tình thân bền chặt và tình yêu nồng cháy. Tuy nhỏ bé, mộc mạc nhưng loài hoa này lại có sức sống mãnh liệt. Việc tụi mình tặng hạt giống hoa lưu ly cho khách mời và thực hiện nghi thức tưới cây mang thông điệp rằng tất cả mọi người khi đến với hôn lễ đều mong tình yêu của các cặp đôi sẽ kiên cường như những đóa hoa lưu ly, dù gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn nở rộ rực rỡ” – Ánh Nguyệt bày tỏ.
Dù hôn lễ đã kết thúc cách đây 2 tuần nhưng đến nay, Nguyễn Đỗ Khải (sinh viên năm hai Khoa Báo chí và Truyền thông, khách mời của hôn lễ) vẫn nhớ như in khoảnh khắc các cặp đôi bước vào lễ đường. Nhìn gương mặt tràn ngập niềm hạnh phúc cùng chia sẻ của họ về ước mơ được nhìn người thương mặc áo chú rể, váy cưới một lần trong đời, Khải không khỏi nghẹn ngào.
Khải bộc bạch: “Mình nghĩ hôn lễ không chỉ giúp các cặp đôi khuyết tật có thể tự tin chia sẻ câu chuyện, niềm hạnh phúc của mình mà còn khơi dậy và lan tỏa những giá trị nhân văn về tình yêu, nghị lực vượt khó cho cộng đồng”.
Hôn lễ này cũng giúp Đỗ Khải có thêm ý tưởng cho bài tập lớn môn Tổ chức sự kiện vào năm sau. Khải cũng mong muốn tổ chức một chương trình giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn như các tiền bối đã làm.
Sau ngày tổ chức, hôn lễ “Vườn Trăm Năm” ngày càng được nhiều người quan tâm. Do đó, nhóm đã tiếp tục gây quỹ đến ngày 15/12 với mong muốn kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng. Số tiền quyên góp được sẽ gửi tặng 5 cặp đôi tham gia lễ cưới, hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của họ.
Trưởng BTC Ánh Nguyệt giải thích: “Đám cưới đã được tổ chức thành công, nhưng khó khăn trong cuộc sống của các cặp đôi khuyết tật vẫn còn nhiều. Tụi mình mong món ‘quà cưới’ này sẽ giúp cô chú có thể giải quyết phần nào những khó khăn đó và có cuộc sống suôn sẻ hơn”.