Tháng 3 vừa qua, Quý Tân là một trong 10 người được Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM vinh danh là Tài năng trẻ TP.HCM trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật.
Nói về lý do lựa chọn ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh, Quý Tân gọi đó là “duyên”. Ban đầu, Tân học ngành này đơn giản là vì không có sở thích nào đặc biệt. Càng học, Tân càng cảm thấy hứng thú với lĩnh vực vật lý kỹ thuật, đặc biệt là vào năm thứ ba, khi nam sinh bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH).
Tân hồi tưởng: “Mình rất thích cảm giác được sai, thất bại nhiều lần rồi tìm giải pháp và tạo ra kết quả tốt. Dần dần, mình nhận ra mình thích làm nghiên cứu và muốn gắn bó lâu dài với công việc này”.
Sau khi tốt nghiệp, Quý Tân quyết định học lên bậc thạc sĩ ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh tại Trường ĐH Bách Khoa để tiếp tục con đường NCKH.
Theo đuổi hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật quang học trong chẩn đoán y sinh và đánh giá chất lượng thực phẩm, đến nay, học viên Quý Tân đã có 3 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 2 bài báo đăng trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế IEEE, 4 bài báo công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế uy tín và 1 bài báo đăng trên Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQG-HCM.
Đối với Quý Tân, NCKH là tìm ra hướng đi mới nhằm giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Như khi thực hiện đề tài Ứng dụng kỹ thuật quang học trong chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm, Tân mong muốn tìm ra phương pháp tầm soát ung thư vú hiệu quả.
Theo Tân, công trình sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phát hiện những bất thường ở tuyến vú. Phương pháp này không chỉ không xâm lấn mà còn có giá thành rẻ, khắc phục một số hạn chế của những biện pháp tầm soát ung thư vú hiện có. Ví dụ phương pháp chụp nhũ ảnh có thể gây ra tình trạng nhiễm xạ, gây khó chịu cho bệnh nhân. Phương pháp chụp MRI vú có chi phí khá cao nên khó sử dụng thường xuyên. Còn phương pháp siêu âm thì lại có độ nhạy không cao.
“Người dùng có thể sử dụng phương pháp này thường xuyên để kiểm tra và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Việc điều trị sớm ung thư vú là một trong những chìa khóa quan trọng giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí điều trị” – Tân chia sẻ.
Trái ngược với sự nghiêm túc và điềm tĩnh mỗi khi NCKH, Quý Tân cho rằng bản thân vốn là người có tính tình sôi nổi. Ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, nam sinh quê Trà Vinh đã chủ động tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, phong trào sinh viên như Mùa hè Xanh, Xuân Tình nguyện, Hiến máu tình nguyện…
Quý Tân ấn tượng nhất với chương trình tình nguyện Mùa hè Xanh năm 2019. Khi đó, Tân cùng 54 sinh viên đã đến huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong 30 ngày để làm hơn 1.400m đường bê tông.
Tân hào hứng kể: “Ngày nào tụi mình cũng dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị và đúng 7 giờ có mặt tại khu vực làm đường để xúc cát, đổ bê tông. Người lúc nào cũng dính xi măng, nước phèn nhưng vui lắm, chẳng ai muốn về. Mình nghĩ tuổi trẻ là phải cống hiến. Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, mình cảm nhận được tinh thần nhân văn và tuổi trẻ của mình trở nên ý nghĩa”.
Nhận thấy đam mê hoạt động Đoàn – Hội của Tân nên TS Trần Trung Nghĩa – giảng viên hướng dẫn của Tân, đã gợi ý nam sinh ở lại trường làm công tác Đoàn.
“Vốn yêu thích phong trào sinh viên nên mình đồng ý ngay. Hơn nữa, vì đã học tập tại trường 4 năm, được các thầy cô, anh chị trong văn phòng Đoàn – Hội hỗ trợ nhiệt tình nên mình rất quý và muốn gắn bó với công tác Đoàn tại trường” – Quý Tân bày tỏ.
Vậy là song song với việc nghiên cứu, Tân còn làm Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường ĐH Bách Khoa sau khi tốt nghiệp. Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng công tác Đoàn có thể gây trở ngại cho việc nghiên cứu, Quý Tân lại nhận định hai công việc này hỗ trợ lẫn nhau.
Tân lý giải: “Mỗi khi gặp áp lực trong nghiên cứu, mình sẽ chuyển sang làm công tác Đoàn để giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, mình còn trau dồi được nhiều kỹ năng hỗ trợ cho công việc NCKH như lên kế hoạch, quản lý thời gian, làm việc nhóm, đồng thời kết nối được với nhiều nhà khoa học để học hỏi kinh nghiệm”.
Để chứng minh cán bộ Đoàn vẫn có thể làm tốt công việc NCKH, Quý Tân quyết định gửi hồ sơ cho Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM và đã được vinh danh là Tài năng trẻ TP.HCM năm 2023 trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật.
Đối với Tân, danh hiệu này là cột mốc đáng nhớ ghi nhận những nỗ lực trong thời gian qua, đồng thời mang đến cho anh nhiều cơ hội. Với phần thưởng 20 triệu đồng, Tân sẽ dùng để đóng học phí và mua thiết bị làm nghiên cứu. Dịp này, Tân còn có cơ hội kết nối với các anh chị thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cũng như tham gia một số hoạt động phong trào của TP.HCM.
Về dự định tương lai, Quý Tân sẽ học lên bậc tiến sĩ, đồng thời tiếp tục gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Trường ĐH Bách Khoa.
Quý Tân bộc bạch: “Dù là 20 tuổi hay 40 tuổi thì mình vẫn là mình thôi, vui vẻ và tận hưởng cuộc sống với công việc nghiên cứu cũng như hoạt động Đoàn – Hội, phong trào sinh viên Trường ĐH Bách Khoa”.