Thông điệp yêu thương và hy vọng

Điều gì là quan trọng nhất trong môi trường đại học? Sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất nên làm gì, học tập, rèn luyện ra sao để có những năm tháng tuổi trẻ ý nghĩa và đáng nhớ?

Với tất cả tâm huyết, trải nghiệm của bản thân và lòng tin tưởng, thương yêu vô bờ dành cho học trò mình, quý thầy cô hiệu trưởng 7 trường thành viên ĐHQG-HCM đã đưa ra những định hướng thiết thực và hữu ích cho các bạn trẻ khi ngồi trên ghế giảng đường.

Không chỉ trong thời gian học đại học mà xuyên suốt cuộc đời mỗi con người, tôi nhận thấy nỗ lực bền bỉ, xuyên suốt của mỗi cá nhân là điều quan trọng nhất, bất kể trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường hay khi ra đời, hòa nhập vào môi trường công việc và cuộc sống thực tế. Tôi từng dẫn lời nhà hiền triết Ấn Độ Mahatma Gandhi: “Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn”.

Ý chí và sự bền bỉ đó không dễ có ngay từ đầu mà phải trải qua quá trình trau dồi, rèn luyện, và trường đại học là môi trường thuận lợi để các em trải nghiệm.

Để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của xã hội, sinh viên không chỉ cần vững chuyên môn mà còn cần phát triển những kỹ năng quan trọng: sự tự lập và khả năng thích nghi. Cuộc sống sinh viên, đặc biệt là sinh viên xa nhà đòi hỏi sự tự lập cao để có thể tự sắp xếp cuộc sống, tự ra quyết định, bắt đầu bằng những quyết định đơn giản như chọn môn học cho đến chọn đề tài luận văn sau này. Sinh viên cũng cần có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, điều kiện mới và những thay đổi có thể xảy ra trong suốt quá trình học tập để có được sự vững tin và bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.

Tân sinh viên không nên chỉ giới hạn mục tiêu ở học tập tốt, rèn luyện tốt mà nên xác định những mục tiêu lâu dài hơn ngay khi còn đang học để biết rõ việc cần làm trong thời gian ngắn. Thầy cô, gia đình có thể là những kênh thông tin bổ ích để sinh viên có thể tham khảo về mục tiêu dài hạn

Tôi cũng đánh giá cao những sinh viên có cá tính, dám khác biệt và chấp nhận sự khác biệt để theo đuổi đam mê và mục tiêu của mình, dám thể hiện bản lĩnh và chính kiến trên cơ sở nền tảng tri thức được bồi đắp theo thời gian và trải nghiệm.

Có lẽ, trong chúng ta, không ai không biết câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin. Khi bước vào ngưỡng cửa đại học, các em sẽ càng thấm thía với câu nói này của tiền nhân.

Học đại học, các em sẽ nhận ra rằng kiến thức là vô tận. Càng học sâu, các em sẽ càng có cảm giác hiểu biết của con người còn quá nhỏ bé và việc học là không có giới hạn. Bất cứ môn học nào, hay thậm chí cả một chương trình đào tạo, một bậc học, được thiết kế chỉ để truyền tải những kiến thức hoặc khối kiến thức nền tảng. Thầy cô ở trường đại học đa số đã học đến tiến sĩ, là bậc học cao nhất, nhưng thầy cô cũng không thể nào biết tất cả. Thầy cô vẫn phải tiếp tục học qua sách vở, qua tài liệu chuyên môn, hay đơn giản là qua đồng nghiệp, qua học trò của mình là các em. Thầy cô còn học trong quá trình nghiên cứu, vốn là một hoạt động giúp làm phong phú thêm cho hiểu biết của con người.

Hãy cố gắng từng chút một, từng ngày, từng tháng, từng năm; học, học nữa, học mãi, chẳng mấy chốc sẽ đến lúc các em học hết chữ của thầy cô, khi đó, chúng ta sẽ cùng học và cùng tìm ra tri thức mới cho nhân loại.

Chúc mừng các bạn đã trở thành thành viên của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM – ngôi trường có bề dày truyền thống với lịch sử 65 năm hình thành và phát triển với mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

“Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này” đó là quan điểm rất có ý nghĩa của Mahatma Gandhi mà tôi muốn gửi gắm đến các bạn. Hơn ai hết, các bạn mới chính là chủ nhân của những giải pháp sáng tạo để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Thế hệ Z vốn có nhiều tri thức, năng lượng và lý tưởng sống. Các bạn hãy trải nghiệm tuổi trẻ, trải nghiệm thời sinh viên của mình như cách mà bạn mong muốn để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nhà trường luôn đồng hành cùng các bạn trên con đường chinh phục tri thức, rèn luyện bản thân trở thành những công dân tích cực, những công dân toàn cầu.

Với giá trị cốt lõi “Thống nhất – Vượt trội – Tiên phong”, Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL) xác định đào tạo người học có tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, đủ năng lực để sẵn sàng làm việc trong kỷ nguyên số. Vì vậy, các em có quyền hãnh diện và tự hào khi trở thành tân sinh viên UEL – thành viên của ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ với các em tân sinh viên rằng, thành tích mà các em đạt được trong quá khứ và ngày hôm nay dù vô cùng quan trọng, rất đáng quý nhưng đây không phải là sự bảo đảm chắc chắn cho thành công của các em trong tương lai.

Bốn năm tiếp theo tại UEL đòi hỏi các em phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cùng với sự quyết tâm để vượt qua các thử thách của quá trình đào tạo vốn không hề dễ dàng. Đời sống và học tập ở bậc đại học có rất nhiều khác biệt so với 12 năm phổ thông và tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bốn yếu tố cốt lõi quyết định chất lượng đào tạo là người học, chương trình đào tạo, người dạy và môi trường học thì yếu tố thứ tư là yếu tố có nhiều thử thách nhất đối với người học năm thứ nhất. Thấu hiểu được điều đó, tại UEL, đội ngũ viên chức và người lao động, các thế hệ cựu người học sẽ luôn sẵn sàng, chủ động đồng hành xuyên suốt cùng sinh viên nhằm đem đến sự trải nghiệm tốt nhất, đáng giá nhất và hiệu quả nhất trong suốt quá trình học tập của các em.

Albert Einstein đã từng nói: “Đừng cố gắng chỉ để thành công mà hãy phấn đấu để mình có ích” (Try not to become a man of success but rather try to become a man of value).

Trong cuộc sống, khát vọng thành công của mỗi người là chính đáng và bản thân sự thành công cũng là một giá trị. Nhưng nếu cố gắng bằng mọi cách để có được thành công cho cá nhân thì con người dễ trở nên mù quáng, ảo tưởng về bản thân, thậm chí gây tác hại cho xã hội. Song nếu chỉ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng thì cuộc sống sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ không có hy vọng thành công.

Mỗi cá nhân bằng suy nghĩ và việc làm bình thường, hoàn toàn có thể khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp cho tập thể, cộng đồng, xã hội trở thành người có ích, khi đó thành công và giá trị của cuộc sống cá nhân đã hòa quyện làm một.

Cô luôn tin rằng, các em sinh viên là những cá nhân ưu tú và sẽ không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trong cuộc sống; xác định rõ mục đích sống, học tập, ý thức được điều quan trọng trong cuộc đời là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội như triết lý giáo dục của Trường ĐH CNTT: “Toàn diện – Sáng tạo – Phụng sự”.

Tỷ phú Warren Buffett có câu “Hôm nay có người ngồi được trong bóng râm, là do người đó đã trồng cây từ rất lâu rồi”. Câu nói này hàm ý sự thành công của một người có được là kết quả của sự chuẩn bị dài lâu trước đó. Chặng đường đại học khoảng 4 đến 5 năm, là chặng đường không mấy dài, nhưng hết sức quan trọng trong cuộc đời của người trí thức. Sự đầu tư đúng hướng và hợp lý trong giai đoạn này giúp các em tích lũy nhiều giá trị nền tảng nhất, và cũng mang đến nhiều trải nghiệm đặc biệt nhất trong cuộc đời của các em.

Từ thế kỷ XVI, Francis Bacon (1561-1626), triết gia người Anh đã khẳng định: “Tri thức là sức mạnh”. Câu nói này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 4 năm đại học tưởng chừng rất dài nhưng thật ra nó trôi qua rất nhanh. Các bạn hãy xác định mục tiêu học tập rõ ràng với tâm thế sẵn sàng và hãy tận dụng thời gian, mọi điều kiện có thể để có thêm “sức mạnh”. Nên nhớ, không ai hạn chế được “sức mạnh” của bạn nếu bạn không cho phép.