Hành trình 6 năm kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG-HCM

Theo TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (TTKT&ĐGCLĐT) ĐHQG-HCM, việc quyết định tổ chức kỳ thi ĐGNL xuất phát từ tầm nhìn, sứ mạng của ĐHQG-HCM, đó là xây dựng một hệ thống ĐH trong tốp đầu châu Á và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, ĐHQG-HCM cần một công cụ đánh giá toàn diện, ổn định, đáng tin cậy để có thể chủ động tuyển chọn những thí sinh có năng lực tốt, phù hợp với định hướng phát triển của ĐHQG-HCM.  

Từ năm 2013, với mục tiêu cải tiến chất lượng kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức “3 chung”, ĐHQG-HCM đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án tổ chức kỳ thi ĐGNL chuyên nghiệp, tách riêng phần thi tuyển và xét tuyển. Đồng thời, công tác xây dựng đề thi sẽ được thực hiện bởi trung tâm khảo thí độc lập, tiếp cận công nghệ đánh giá tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, phương án này đã không được thực hiện. Từ năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức thay cho kỳ thi “3 chung”, đảm nhiệm cùng lúc 2 nhiệm vụ là làm cơ sở để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Năm 2016, ĐHQG-HCM quyết định triển khai kỳ thi ĐGNL. Công tác chuẩn bị được thực hiện trong suốt 2 năm gồm nhiều công đoạn như chuẩn bị nguồn lực con người, quy trình, công cụ để đến năm 2018 kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM được tổ chức lần đầu tiên.

TS Nguyễn Quốc Chính đánh giá: “Kỳ thi ĐGNL có nhiều điểm khác biệt so với những kỳ thi tuyển sinh đại học từng tổ chức tại Việt Nam. Thay vì thi từng môn thì ĐGNL là một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút nhằm đánh giá các kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Bài thi ĐGNL được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi ĐGNL phổ biến trên thế giới như SAT (Hoa Kỳ) và TSA (Anh)”.

Giám đốc Trung tâm KT&ĐGCLĐT cũng nhấn mạnh, bài thi ĐGNL không tập trung vào việc đánh giá khả năng học thuộc mà yêu cầu thí sinh phải tư duy linh hoạt. Do đó, cách học nhồi nhét kiến thức sẽ không phải là “chiến thuật” đúng đắn khi tham gia kỳ thi ĐGNL. 

Để tạo ra những bộ câu hỏi có khả năng đánh giá đúng, toàn diện năng lực của thí sinh, công tác tổ chức ngân hàng đề thi trải qua rất nhiều lần biên soạn, thẩm định chặt chẽ, rà soát và bổ sung hằng năm.

TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, điểm quan trọng nhất trong việc xây dựng ngân hàng đề thi là yếu tố con người. ĐHQG-HCM đã tập hợp một đội ngũ lớn chuyên gia trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM, đó là những người có kinh nghiệm làm đề thi trong nước, quốc tế cũng như am hiểu về nguyên lý khảo thí. 

Mỗi câu hỏi đều trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng với các bước gồm phản biện, điều chỉnh, cho học sinh lớp 12 thi thử trước khi đưa vào ngân hàng. Câu hỏi nào đã thi thử thì một năm sau mới được sử dụng và quá trình này diễn ra liên tục. Số lượng câu hỏi trong ngân hàng trước mỗi đợt thi đều trên 5.000 câu, bảo đảm độ tin cậy của các bài thi, góp phần không nhỏ vào thành công của kỳ thi ĐGNL trong thời gian qua.

Với mục tiêu rõ ràng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM ngày càng hoàn thiện hơn. Qua 6 năm tổ chức, kỳ thi đã tạo sự tin tưởng cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội, đóng góp vào công tác tuyển sinh của ĐHQG-HCM và các đơn vị khác. Điều này thể hiện qua sự tăng lên đáng kể về số lượng thí sinh, số đơn vị phối hợp tổ chức thi và số trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả ĐGNL để tuyển sinh. 

So với năm đầu tiên tổ chức, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ở năm thứ sáu đã tăng gấp 21 lần. Năm 2018, kỳ thi chỉ thu hút gần 5.000 thí sinh (đến từ 46 tỉnh/thành phố và 616 trường THPT) thì đến năm 2023, gần 104.000 thí sinh (đến từ 61 tỉnh/thành phố và 1.815 trường THPT) đã đăng ký dự thi.

Theo cô Trần Hương Giang – giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, tỉnh Đồng Nai, hằng năm số lượng học sinh của trường tham gia kỳ thi ĐGNL đều tăng. Các giáo viên trong trường cũng nhận thấy tính hiệu quả của kỳ thi này nên rất tích cực phổ biến và khuyến khích học sinh tham gia.

ĐHQG-HCM cũng không ngừng mở rộng địa điểm thi và tăng cường phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục tại các địa phương để tổ chức kỳ thi ĐGNL trong 6 năm qua để giúp nhiều thí sinh có cơ hội tiếp cận kỳ thi hơn. Năm 2018, kỳ thi tổ chức tại 4 địa phương với sự tham gia của 5 trường đại học thành viên ĐHQG-HCM. Năm 2023, kỳ thi ĐGNL đã có sự phối hợp tham gia của 47 trường đại học, cao đẳng trên cả nước và tổ chức tại 21 địa phương. 

Trưởng phòng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt Trần Hữu Duy bày tỏ: “Năm 2023 là lần đầu tiên Trường ĐH Đà Lạt tham gia tổ chức kỳ thi ĐGNL ở tỉnh Lâm Đồng. Trong đợt thi này, hơn 2.300 thí sinh đã tham dự, đạt tỷ lệ gần 100% so với số lượng thí sinh đăng ký. Chúng tôi nhận thấy đề thi ĐGNL đánh giá được toàn diện tư duy và kỹ năng của thí sinh. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng trao quyền tự chủ cho trường trong công tác nhân sự, hành chính nên khâu tổ chức diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi”.

Kết quả của kỳ thi ĐGNL dần trở thành công cụ đánh giá năng lực thí sinh chính xác, toàn diện cho các trường trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM. Điều này thể hiện ở việc số lượng trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh tăng từ 7 trường (năm 2018) lên 97 trường (năm 2023).

Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi ĐGNL của các trường có xu hướng tăng qua các năm. Nếu năm 2018 các đơn vị trong ĐHQG-HCM dành từ 10-20% chỉ tiêu tuyển sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL thì đến năm 2023, các đơn vị đã dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Riêng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM dành 60-90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, gồm kết quả thi ĐGNL, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng). Còn các trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống ĐHQG-HCM thì dành 5-20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL. 

Giám đốc Trung tâm KT&ĐGCLĐT Nguyễn Quốc Chính cho hay, ĐHQG-HCM đã tiến hành nghiên cứu đối sánh kết quả học tập của sinh viên nhập học bằng phương thức ĐGNL với kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác ở trường đại học thành viên. Kết quả là điểm trung bình tích lũy của nhóm sinh viên nhập học bằng phương thức ĐGNL cao hơn đáng kể so với điểm trung bình tích lũy của nhóm sinh viên nhập học bằng kết quả thi THPT. 

“Điều này phần nào cho thấy nguồn tuyển từ phương thức dùng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đã thu hút được các thí sinh có năng lực, học tập tốt, phù hợp với môi trường học đại học và ngành đào tạo” – ông Chính nhận định.

Trong tương lai, kỳ thi ĐGNL tiếp tục mở rộng địa điểm tổ chức, cải tiến, hoàn thiện quy trình tổ chức thi để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc và hiệu quả. Công tác tuyên truyền cho thí sinh về kỳ thi và cách thức đóng lệ phí qua ứng dụng thanh toán cũng sẽ được đẩy mạnh. 

ĐHQG-HCM sẽ nâng cấp hệ thống phần mềm đăng ký tổ chức thi để tránh tình trạng nghẽn mạng vào những ngày cuối đợt đăng ký thi hoặc ngày công bố điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị tham gia tổ chức thi, sử dụng kết quả thi để xét tuyển.