GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: Tôi sẽ nghiên cứu, dạy học đến khi không còn sức mới thôi

9 sáng chế, 13 đề tài nghiên cứu các cấp, 33 bài báo khoa học, cùng cựu sinh viên chuyển giao hơn 500 dây chuyền sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm và nông sản cho khách hàng trong và ngoài nước… đó là những quả ngọt sau hơn 40 năm thầy miệt mài nghiên cứu và sáng tạo. Hành trình ấy không chỉ được thôi thúc bằng niềm đam mê khoa học mà còn chất chứa sự kiên trì, nhẫn nại và những hoài bão nghiên cứu được tiếp sức của một người thầy dành cho thế hệ mai sau.

Năm 2003, sáng chế mang tầm quốc tế đầu tiên được thầy Trần Doãn Sơn ra mắt. Đó là sáng chế “Thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa” giúp người lao động khi chế biến hạt điều giảm tải được công đoạn bóc tách lớp vỏ cứng vốn chứa nhiều axit, năng suất tăng cao hơn. Thành quả này được thầy Sơn nghiên cứu trong hơn 20 năm và đã chuyển giao gần 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Cũng từ nghiên cứu này, thầy và các cộng sự đã tham gia hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy chế biến điều tự động cho các nước châu Phi và Ấn Độ. Nhưng không dừng lại ở đó, phía sau sáng chế này còn là những trăn trở từ thuở chọn khoa học làm con đường lập thân của thầy.

Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, thầy Sơn đã chọn cho mình hướng phát triển lương thực, thực phẩm và nông sản. Thầy chia sẻ, thế hệ ông cha đã tạo dựng và phát triển rất nhiều sản phẩm từ lúa, khoai sắn, cà phê, hạt điều,… nhưng phần lớn chúng đều được thương mại dưới dạng thô nên giá trị thấp. Dù người nông dân có cần cù, vất vả đến đâu cuộc sống của họ cũng không mấy cải thiện.

Ý nghĩ “phải làm một điều gì đó để giúp bà con nông dân thoát nghèo” luôn thường trực trong tâm trí thầy. Từ đó, thầy Sơn quyết tâm phải sáng tạo, chế biến các thiết bị hiện đại nhằm giải phóng sức lao động, mang lại sản phẩm có năng suất, chất lượng cao cho người nông dân. Thầy tâm niệm: “Công việc của tôi là không ngừng tìm ra giải pháp bằng cách đổi mới và sáng tạo mỗi ngày. Chỉ có vậy mới giúp bà con đỡ vất vả, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Sau nghiên cứu về công nghệ bóc tách và sơ chế hạt điều, hàng loạt những nghiên cứu về thiết bị sản xuất thực phẩm làm từ nông sản Việt được thầy trình làng. Đó là thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng, bánh tráng gạo, bánh bía (dùng làm chả giò), bánh tráng rế… Những nghiên cứu này đều được cấp bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ trong cả nước cũng như quốc tế.

Nói về sự ra đời của thiết bị làm bánh tráng rế tự động, thầy Trần Doãn Sơn cho biết, khoảng năm 2015, thầy đến thăm Cổ Cò (Tiền Giang), một số hộ gia đình đang sản xuất bánh tráng rế bằng tay, họ phải nhúng bàn tay vào chậu bột rồi rê các sợi bột lên một chảo nóng để tạo vân bánh. Họ lao động cực nhọc từ sáng sớm đến tận khuya mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Với kiến thức của mình cùng với tình thương những người lao động, trong đầu thầy lóe lên ý nghĩ sẽ làm ra một chiếc máy vừa để họ làm phương tiện sinh nhai, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên của vùng. Thầy tâm sự: “Tôi cũng sinh ra ở làng quê nên thấu hiểu phần nào tâm tư của họ. Tôi đi hết Tây Tàu và quay về quê hương mình mới thấy có nhiều người còn khổ lắm”.

Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng thầy Sơn đã cho ra đời chiếc máy làm bánh tráng rế, chuyển giao về Cổ Cò. Thầy chia sẻ: “Cảm xúc của tôi khi nhìn thấy chiếc máy tạo ra thành phẩm đầu tiên là niềm vui tột cùng. Vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ đồng bào khó khăn”. Từ đây, với phương kế sinh nhai trong tay, nhiều người dân đã cải thiện phần nào đời sống vất vả của mình.

“Đến giờ tôi và bà con vẫn giữ liên lạc với nhau. Có người lên Sài Gòn khám bệnh còn gọi điện hỏi thăm mình nữa chứ!” – thầy Sơn thích thú.

Năm 2020, thầy Trần Doãn Sơn đã được trao 3 giải thưởng (giải Nhì, Ba và Khuyến khích) về sáng chế của TP.HCM. Trong đó, sáng chế về “Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước” là nổi bật nhất. Theo thầy Sơn, thiết bị giúp sản xuất bún từ bột gạo pha loãng thành sợi bún tươi như người Việt thường dùng trong các món ăn thường ngày. Với thao tác vận hành đơn giản và tiện lợi, chúng khá phù hợp cho nhà hàng, khách sạn có thể tự chế biến để phục vụ các món ăn tươi ngon và tốt nhất cho khách hàng. Thầy đã chuyển giao công nghệ sản xuất này cho 9 doanh nghiệp, đặc biệt có những doanh nghiệp tại Mỹ, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc…

Đều đặn mỗi sáng, sau khi khởi động ngày mới bằng một ly cà phê nóng, thầy Trần Doãn Sơn bắt đầu miệt mài với công việc. Hết làm việc trên máy tính, thầy lại ghé vào xưởng chế tạo của mình phía sau nhà, quan sát từng chiếc máy, trao đổi với các học trò, kỹ sư về các vấn đề kỹ thuật.

“Cứ đi ra đi vô là tôi lại phải ghé ngang sờ mấy chiếc máy một tí cho ‘đã’, giống như nghiện vậy” – thầy Sơn vừa cười vừa chia sẻ. Xưởng chế tạo tại nhà được thành lập vào năm 2015 với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, chế tạo của thầy. Tại đây, thầy Sơn có điều kiện thuận lợi hơn để cho ra đời nhiều chiếc máy chế biến thực phẩm. Đó cũng là một hướng đi mới lạ và làm nên “thương hiệu” của thầy.

Thầy Trần Doãn Sơn cho biết: “Ngoài niềm đam mê sáng tạo, tôi còn một niềm vui rất lớn là dành thời gian để truyền lửa cho các học trò mình. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của sinh viên bày tỏ mong muốn hướng nghiệp cho các em, tôi rất hạnh phúc về điều đó”.

Thầy Sơn bắt đầu công việc trồng người từ năm 1976. Với một quá trình giảng dạy lâu như thế, nên đã có trường hợp cả gia đình ba thế hệ đều là học trò của thầy Sơn. “Ba mình nói nếu con muốn theo đuổi ngành này, hãy tìm thầy Sơn để học hỏi” – Trần Tiến Huy, cựu sinh viên Khoa Cơ khí, được ba mình – đồng thời là học trò cũ của thầy Sơn dặn dò khi trở thành sinh viên ngành học cơ khí – chế tạo máy.

Thầy Sơn quan niệm đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là truyền lửa đam mê cho học trò. Thế nên lớp học của thầy lúc nào cũng đông đủ, nhiều khi có các bạn lớp khác xin vào học “ké”. Phương châm giảng dạy của thầy là khơi gợi tư duy sáng tạo của học trò thay vì chỉ ghi chép kiến thức. Những vấn đề thực tế ở xưởng nghiên cứu được thầy đưa ra luôn hút các bạn sinh viên tranh luận, phản biện để tìm ra biện pháp tốt nhất. Điều đó tạo nên môi trường học tập lành mạnh, không bị áp đặt, khuôn mẫu.

Thầy Sơn cho rằng đi dạy còn là để gần gũi, truyền niềm say mê học tập cho học trò, đồng thời cũng là để bầu bạn, học hỏi từ họ. Thầy nhận xét bây giờ sinh viên có “nhiều cái hay lắm”: họ giỏi đồ họa trên máy tính, giỏi thao tác các phần mềm xử lý bài toán nhanh chóng, tối ưu…

Khi nói về những thành công của mình, thầy Trần Doãn Sơn đúc kết: “Tất cả thành quả đều có sự đóng góp của học trò, công sức của tôi và công sức của học trò hòa quyện với nhau”. Trong lúc làm việc, giữa thầy Sơn và các sinh viên đôi lúc xảy ra những cuộc tranh luận, dù chênh lệch tuổi tác nhưng hai bên đều trao đổi trên tinh thần lắng nghe, tôn trọng nhau.

Tiếp xúc với giới trẻ nhiều như vậy nên phong cách của thầy luôn trẻ trung, hiện đại và dễ gần. Mỗi cuối tuần, học trò lái xe đến đưa thầy đi uống cà phê và nghe nhạc. Thầy hào sảng nói: “Sống với thanh niên nên suy nghĩ cũng phải sáng tạo, năng động như thanh niên”. Lối sống cởi mở, thân thiện của thầy được đền đáp bằng tấm lòng yêu mến, kính trọng của nhiều thế hệ học trò. Trong ngày sinh nhật của mình, điện thoại thầy Sơn dường như “nổ tung” vì nhận được trên dưới 1.000 tin nhắn chúc mừng từ học trò. “Có lẽ hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi là được giúp đỡ, hướng nghiệp các em học sinh và thấy các em trưởng thành” – thầy Sơn bộc bạch.

Từ cuối năm ngoái, tin thầy Trần Doãn Sơn được xét rồi công nhận giải thưởng danh giá bậc nhất của một nhà khoa học tại Việt Nam – Giải thưởng Hồ Chí Minh – bắt đầu rộ trên các mặt báo. Thầy Sơn cho hay, bản thân thầy cảm thấy rất vinh dự. Giải thưởng này như một dấu ấn quan trọng, giúp thầy nhìn lại toàn bộ khoảng thời gian mình đã sống và cống hiến vì người dân.

“Tuy nhiên, giải thưởng này chưa được coi là ‘đích đến’ của tôi. Niềm đam mê sáng tạo, muốn tạo ra nhiều thiết bị, máy móc hơn nữa để giúp đỡ bà con trong tôi vẫn còn máu lửa lắm. Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, dạy học đến khi nào không còn sức nữa mới thôi” – thầy Sơn vừa nói vừa nhìn xa xăm…

b1