ĐHQG-HCM đạt nhiều chuẩn kiểm định quốc tế

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẠT NHIỀU CHUẨN KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) không chỉ là lời đáp về đảm bảo chất lượng đào tạo của trường ĐH cho các bên liên quan mà còn là gợi ý giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

ĐHQG-HCM tham gia kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) rất sớm và thực hiện song song kiểm định cấp cơ sở giáo dục cùng kiểm định cấp chương trình đào tạo.

66 CHƯƠNG TRÌNH ĐẠT CHUẨN

4 trường đại học thành viên ĐHQG-HCM đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT năm 2017. Ảnh: Đức Lộc

Tháng 5/2017, 4 trường thành viên ĐHQG-HCM, gồm Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế – Luật được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT. Tháng 3/2018, Trường ĐH An Giang cũng đạt chuẩn kiểm định này. Riêng Trường ĐH Quốc Tế và Trường ĐH Bách Khoa đạt hai chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục: Trường ĐH Quốc Tế đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT và chuẩn AUN; Trường ĐH Bách Khoa đạt cùng lúc hai chuẩn kiểm định quốc tế là HCERES và AUN.

Như vậy 7 trường thành viên ĐHQG-HCM đều đạt KĐCLGD cấp cơ sở theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế.

ĐHQG-HCM hiện có 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA. Ảnh: Đức Lộc

Về cấp chương trình đào tạo, ĐHQG-HCM hiện dẫn đầu cả nước với 66 chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế (chiếm gần 33% số lượng của cả nước). Trong đó có 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 4 chương trình đạt chuẩn ABET, 7 chương trình đạt chuẩn CTI-ENAEE, 1 chương trình đạt chuẩn ACBSP và 1 chương trình đạt chuẩn FIBBA.

Riêng trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19, ĐHQG-HCM lần đầu tiên triển khai đánh giá theo chuẩn AUN-QA trực tuyến với 4 chương trình: Khoa học Vật liệu (Trường ĐH KHTN), Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV), Hệ thống Thông tin Quản lý (Trường ĐH Kinh tế –  Luậy) và Kỹ thuật Phần mềm (Trường ĐH CNTT).

Trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống, kết nối và triển khai hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, đánh giá, kiểm định tại các trường thành viên. Cụ thể, Trường ĐH KHXH&NV sẽ tham gia đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn AUN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn HCERES, 4 chương trình tham gia đánh giá AUN-QA. ĐHQG-HCM cũng khuyến khích các trường lên kế hoạch để đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn khác trong nước và quốc tế như bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, bộ tiêu chuẩn ABET, AACSB, FIBBA…

Vào năm 2021, ĐHQG-HCM đăng cai tổ chức hội nghị AUN về đảm bảo chất lượng. Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ các chuyên gia hàng đầu về công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng nhằm nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực ASEAN cũng như các trường đại học đối tác trên thế giới.

TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định: “Những kết quả này thể hiện sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM khi triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, góp phần khẳng định hình ảnh và vị thế của ĐHQG-HCM trong hệ thống đại học cả nước”.

ĐHQG-HCM tham gia KĐCLGD rất sớm và thực hiện song song kiểm định cấp cơ sở giáo dục cùng kiểm định cấp chương trình đào tạo. Về việc lựa chọn các tổ chức kiểm định cũng rất đa dạng, ĐHQG-HCM kiểm định theo chuẩn của các tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế.

Chính điều này mang đến nhiều lợi ích sau kiểm định cho “3 bên”: Người học – nhà trường – xã hội.

PGS.TS Thoại Nam – Trưởng khoa Khoa học & Máy tính Trường ĐH Bách Khoa, đơn vị đạt chuẩn kiểm định ABET năm 2014 phân tích: “Theo học chương trình đạt chuẩn ABET, người học sẽ được thụ hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp. Các chương trình đạt chuẩn ABET phải thường xuyên nhận phản hồi từ các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, cựu sinh viên… để luôn luôn cải thiện chất lượng của người học. Bên cạnh đó, người học sẽ có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET, cũng như người học sẽ nhận được những ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức Mỹ”.

Trường ĐH Bách Khoa đạt cùng lúc hai chuẩn kiểm định quốc tế là HCERES và AUN. Ảnh: Đức Lộc

PGS Nam cũng cho biết thêm với một trường ĐH, khi một chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng ABET, điều đó có nghĩa là chất lượng đào tạo của chương trình đã được thừa nhận trong phạm vi toàn cầu. Điều này gắn với xã hội rất có ý nghĩa, nhất là khi nền kinh tế của đất nước đang cần thu hút đầu tư của nước ngoài, việc kiểm định theo tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ sẽ góp phần thu hút đầu tư thông qua việc khẳng định chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực.

“Điều này được thể hiện qua một số động thái của các công ty lớn: Boeing đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho các chuyên gia của ABET tổ chức hội thảo tại Việt nam vào các năm 2007 và 2008; Intel khi đầu tư cho dự án HEEAP với một yêu cầu đính kèm là các chương trình đào tạo phải được kiểm định ABET” – PGS.TS Thoại Nam chia sẻ.

Tất nhiên với một cơ sở giáo dục hay một chương trình đào tạo khi được công nhận đạt chuẩn sẽ có rất nhiều lợi ích. Nhưng lợi ích lớn nhất của KĐCLGD vẫn nằm ở chỗ “nhìn lại mình”, xem mình đạt và chưa đạt những gì để từ đó cải tiến, phấn đấu hơn nữa.

PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng lợi ích của kiểm định chính là nâng cao chất lượng: “Các cơ sở cần nhận thức rõ kiểm định là thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH; là nhiệm vụ của ngành giáo dục và là trách nhiệm của tất cả các trường trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các trường cần tăng cường cải tiến chất lượng nhằm thực hiện được sứ mạng của mình, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bối cảnh cạnh tranh trong GD&ĐT ngày càng quyết liệt, thì chỉ có nâng cao chất lượng mới là hướng đi đúng đắn để các trường tồn tại và phát triển bền vững”.

THỐNG KÊ KIỂM ĐỊNH CẤP CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO TIÊU CHUẨN NƯỚC NGOÀI

(Tính đến 31/10/2020 theo Bộ GD&ĐT)

STT Tổ chức đánh giá/kiểm định Số lượng chương trình đạt chuẩn cả nước Số lượng chương trình đạt chuẩn ĐHQG-HCM % của ĐHQG-HCM trên cả nước
1 AUN-QA 156 53 34%
2 CTI 16 7 43%
3 ABET 7 4 57%
4 ACBSP 6 1 16%
5 FIBA 9 1 11%
6 HCERES 1 0 0
7 Tổng 195 66 34%

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM: “Các tiêu chí đánh giá đều đòi hỏi xem xét toàn bộ quá trình. Ví dụ từ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai giảng dạy, học tập, cho đến mức độ hài lòng của người sử dụng sinh viên tốt nghiệp cũng như chính sinh viên đã tốt nghiệp. Các đoàn đánh giá ngoài đều phải quan tâm đến toàn bộ quá trình, khai thác tối đa các dữ liệu, thông tin, minh chứng có thể được trong suốt quá trình đánh giá. Các đoàn thực tế cũng đã sử dụng nhiều phương pháp khách quan, đa chiều nhằm lấy ý kiến của nhiều đối tượng liên quan (sinh viên đang học, sinh viên đã tốt nghiệp, nhà tuyển dụng lao động…), đảm bảo việc đánh giá chất lượng là thực chất nhất có thể. Việc đánh giá được thực hiện một cách độc lập, không hề có sự thiên vị khi tiến hành đánh giá. Do đó, không thể có chuyện cho qua, hay trường nào không đạt cũng được đánh giá đạt và trao chứng nhận được”.