Sinh viên ĐHQG-HCM chia sẻ kinh nghiệm “săn” học bổng du học và giao lưu quốc tế

Website ĐHQG-HCM đã có buổi trò chuyện với 3 sinh viên ĐHQG-HCM về kinh nghiệm chinh phục các học bổng và chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.

* Trịnh Hải Đăng – sinh viên năm 4 Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Mình đã có cơ hội tham dự hơn 15 chương trình học bổng và hội nghị quốc tế, được tài trợ toàn phần. Đặc biệt là cơ hội trở thành đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo (Indonesia) năm 2023 và Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên toàn cầu 2023 tại Seoul (Hàn Quốc). Gần đây nhất, mình đã trúng tuyển chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) 2024. SSEAYP là một trong những chương trình ngoại giao nhân dân quan trọng và có lịch sử lâu đời nhất giữa chính phủ Nhật Bản và chính phủ các nước ASEAN. Mình biết đến SSEAYP lần đầu tiên là vào năm 2019. Từ đó ôm cho mình giấc mơ một ngày sẽ được lên con tàu Nippon Maru “huyền thoại” ấy với vai trò đại biểu thanh niên. Sau 5 năm ấp ủ, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực.

Qua nhiều lần ứng tuyển các chương trình khác nhau, mình nhận thấy quy trình tuyển chọn thường gồm hai vòng chính. Vòng hồ sơ là bước đầu tiên, đòi hỏi ứng viên phải chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng với đầy đủ các giấy tờ cần thiết như CV, bài luận, thư giới thiệu… Vòng phỏng vấn là cơ hội để ứng viên thể hiện bản thân một cách trực tiếp, trả lời các câu hỏi sâu sắc về tư duy, kinh nghiệm và định hướng tương lai.

Viết bài luận xin học bổng là một thử thách lớn đòi hỏi sự đầu tư công sức và thời gian. Mình nhận ra rằng viết bài luận xin học bổng không phải là kể những câu chuyện cảm động. Để tạo ấn tượng, bài viết cần tập trung vào việc chứng minh năng lực và tiềm năng thông qua những thành tích cụ thể, những đóng góp thực tế và tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Thay vì chỉ nói “tôi là ai”, hãy áp dụng quy tắc “Show, don’t tell” (Hãy mô tả, đừng kể lể), cho thấy bạn đã làm được gì và sẽ làm gì để tạo ra giá trị.

* Nguyễn Phương Nam – sinh viên năm 4 Khoa Kỹ thuật Cơ Khí. Trường ĐH Bách khoa

Khoảng thời gian cuối cấp đại học, mình đã đạt một cột mốc vô cùng ý nghĩa khi vinh dự nhận được học bổng TL-Stiftung danh giá. Học bổng này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực học tập mà còn mở ra cho mình cơ hội trải nghiệm cuộc sống sinh viên tại Đức. Với số tiền tài trợ lên đến 5.200 Euro bao gồm chi phí đi lại và sinh hoạt trong 6 tháng, mình đã có dịp đặt chân đến OTH Regensburg, một trong những trường đại học hàng đầu về khoa học ứng dụng tại Bavaria, Đức.

Quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng không quá phức tạp. Tuy nhiên, để tăng cơ hội trúng tuyển, mình đã dành thời gian tìm hiểu kỹ càng về các yêu cầu và chuẩn bị hồ sơ một cách cẩn thận. Mình bắt đầu bằng việc tham khảo thông tin trên trang website của Phòng Quan hệ Đối ngoại của trường và tìm kiếm những chia sẻ kinh nghiệm từ các bạn sinh viên đi trước. Nhờ đó, mình đã có cái nhìn tổng quan về quy trình tuyển chọn và biết được những điều cần lưu ý.

Hồ sơ ứng tuyển không đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà, chỉ cần một bản CV ấn tượng, bảng điểm tốt và một bức thư thể hiện rõ động lực và mục tiêu của mình. Điều đặc biệt là chương trình không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hay TOEFL. Thay vào đó, trình độ ngoại ngữ sẽ được đánh giá trực tiếp qua vòng phỏng vấn.

Mình hiểu rằng, vòng phỏng vấn chính là cơ hội để thể hiện bản thân một cách trọn vẹn nhất. Vì vậy, bên cạnh việc ôn luyện kiến thức chuyên môn, mình còn dành thời gian tìm hiểu sâu về văn hóa, xã hội và những vấn đề thời sự của nước Đức. Mình đã tham gia các buổi nói chuyện trực tuyến với cựu sinh viên từng tham gia chương trình trao đổi, từ đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, mình cũng luyện tập giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày để có kết quả tốt nhất.

Để mọi thứ được hoàn thiện một cách tốt nhất, các bạn nên bắt đầu việc chuẩn bị hồ sơ từ sớm, ít nhất khoảng 2-3 tháng trước thời hạn của học bổng. Thời gian chuẩn bị sớm sẽ giúp chúng ta có đủ thời gian tìm hiểu kỹ thông tin, hoàn thiện hồ sơ và thậm chí là luyện tập phỏng vấn. Mình tin rằng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự tự tin và thành công.

* Lê Thanh Hải – cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật

2 tuần tại AUN-VNUHCM Summer Program 2024 vô cùng đáng giá, đánh dấu cho một bước tiến trong hành trình học tập của mình. Mình đã đắm mình vào kiến thức, đêm hội giao lưu văn hoá, chậm hơn để lắng nghe “thiên nhiên”, kết nối với rất nhiều bạn quốc tế.

Thật khó để liệt kê hết tất cả kiến thức mình học được, vì ngoài kiến thức về môi trường đến từ các giảng viên ưu tú, mình còn học về cách làm việc nhóm, dẫn dắt, lắng nghe, thấu hiểu, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng điều đọng lại nhất, đó là mối quan hệ giữa con người và môi trường, chúng ta tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Biến đổi khí hậu phần lớn chính là do tác nhân con người gây nên. Do đó, tất cả chúng ta đều phải cùng nhau đối mặt vấn đề này. Sau cùng, mỗi hành động chúng ta làm để bảo vệ môi trường sẽ giúp chúng ta trở thành một phần của giải pháp mà không phải là một vấn đề nữa.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình khi tham gia chương trình là lúc làm việc nhóm. Hôm đấy đã là bài giảng thứ 4 nhưng nhóm của mình vẫn chưa thống nhất chủ đề. Chúng mình thiếu kết nối và một thành viên gặp phải sự cố cá nhân, khiến cho mindmap (sơ đồ tư duy) của cả team bị lỗi, không hoàn thành như mong đợi. Là một trưởng nhóm lần đầu dẫn dắt nhóm từ các quốc gia khác nhau (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar) mình gặp trở ngại khi giải thích và kết nối mọi người, khiến không khí sau khi thuyết trình rất căng thẳng và ủ rũ. Ngay đêm đó, chúng mình ngồi lại cùng nhau, trao đổi nhiều hơn, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Mình cũng học được cách phải chậm lại, nhận ra vấn đề của nhóm, và sau đó các thành viên cùng cổ vũ lẫn nhau, hứa cùng nhau chia sẻ và cống hiến, dù cho kết quả có như thế nào đi nữa. Sau cùng, nhóm được khen là nhóm làm việc tốt nhất, đạt giải Best Poster và có những kỷ niệm quý giá cùng nhau.