25 năm phát triển toàn diện

25 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã hình thành một mô hình tổ hợp các trường đại học mạnh, là hệ thống các trường đại học hiện đại trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và tích cực phục vụ cộng đồng.

Hơn 25 năm trước, từ thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam khẩn trương cách tân giáo dục đại học theo hướng hội nhập. Ý tưởng thành lập các đại học quốc gia được hình thành nhằm thực hiện sứ mệnh là những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, đạt trình độ quốc tế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng giáo dục đại học của khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, Đại học Quốc gia là một hệ thống trong đó các trường thành viên quan hệ hữu cơ với nhau hay là chuyển hoá hoàn toàn thành một trường duy nhất? Bằng con đường nào để tiến lên mô hình đó?

Ban soạn thảo đề án đổi mới đại học đứng trước 3 lựa chọn: sẽ thành lập một trường mới hoàn toàn, hoặc từ một trường phát triển lên, hoặc là nhập nhiều trường lại. Cả 3 phương án đều có những điểm mạnh và hạn chế riêng, chỉ giống nhau ở một điều là đòi hỏi tập trung đầu tư lớn. Giáo sư Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhiệm kỳ 1990 – 1997) phân tích: “Phương án thành lập mới cho phép đúng với mô hình, không bị lệ thuộc những cái có sẵn nhưng lại đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian lâu và đặc biệt phải tổ chức được đội ngũ hoàn toàn mới. Phương án từ một trường phát triển lên thì nhanh nhưng dễ xa rời mục tiêu chiến lược vì các trường có sẵn đều là trường đơn lĩnh vực. Phương án nhập nhiều trường sẽ sớm hình thành diện mạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng toàn bộ thiết kế phải quan tâm vì nó dựa trên quá khứ, cái có sẵn, và việc giải quyết các vấn đề nội bộ đòi hỏi nhiều thời gian”.

Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng, phương án thứ ba đã được chọn. Ngày 27/1/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) trên cơ sở sáp nhập 9 trường ĐH lớn, có uy tín và truyền thống lâu đời trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, ngày 10/12/1993, ĐHQG Hà Nội cũng đã chính thức hình thành. Sự ra đời của hai ĐHQG này đã trở thành bước ngoặt lịch sử của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trên con đường tiến tới toàn cầu hoá, hội nhập thế
giới.

Sáu năm sau, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định 15/2001/QĐ-TTg về việc tổ chức lại ĐHQG-HCM. Theo đó, ĐHQG-HCM được tổ chức lại gồm 4 đơn vị thành viên. Đến năm 2010, ĐHQG-HCM là hệ thống bao gồm 6 trường đại học, 1 viện thành viên.

Năm 2012, ĐHQG-HCM đã đảm nhận sứ mệnh hội nhập giáo dục quốc tế với một hành lang pháp lý cụ thể. Điều 8 Luật Giáo dục Đại học 2012 đã chính danh và khẳng định: “Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy…”. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật 34) đã nêu trong Điều 7: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.”

ĐHQG-HCM luôn là địa chỉ ươm mầm tài năng hàng đầu của Việt Nam. Đó là là nhiệm vụ chiến lược quốc gia mà Đảng và Nhà nước giao phó cho ĐHQG-HCM. Nhận thức sâu sắc điều này, ĐHQG-HCM tham gia kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) rất sớm và thực hiện song song kiểm định cấp cơ sở giáo dục cùng kiểm định cấp chương trình đào tạo.

Tháng 5/2017, 4 trường thành viên ĐHQG-HCM, gồm Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế – Luật được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT. Tháng 3/2018, Trường ĐH An Giang cũng đạt chuẩn kiểm định này. Riêng Trường ĐH Quốc Tế và Trường ĐH Bách Khoa đạt hai chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục: Trường ĐH Quốc Tế đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT và chuẩn AUN; Trường ĐH Bách Khoa đạt cùng lúc hai chuẩn kiểm định quốc tế là HCERES và AUN.

Đặc biệt, trung tuần tháng 3/2020, Hội đồng Đánh giá Giáo dục Đại học thuộc tổ chức IFT Hoa Kỳ công nhận chuẩn chất lượng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Thực phẩm – Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. Theo đó, ngành học này đã đáp ứng các tiêu chuẩn về giáo dục đại học với các tiêu chí đặc thù dành cho các ngành liên quan Công nghệ Thực phẩm trong 5 năm 2020-2025. Đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận của IFT. 6 tháng sau, ngành Kỹ thuật Máy tính và Khoa học Máy tính của Trường ĐH Bách Khoa được tái công nhận đạt chất lượng kiểm định ABET. Đây là hai chương trình đầu tiên tại Việt Nam tái kiểm định thành công theo chuẩn ABET của Hoa Kỳ. Giai đoạn được công nhận ở chu kỳ thứ 2 này vẫn tiếp tục kéo dài 6 năm, từ 2020-2026. Như vậy 7 trường thành viên ĐHQG-HCM đều đạt KĐCLGD cấp cơ sở theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế.

Về cấp chương trình đào tạo, ĐHQG-HCM hiện dẫn đầu cả nước với 66 chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế (chiếm gần 50% số lượng của cả nước). Trong đó có 53 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 4 chương trình đạt chuẩn ABET, 7 chương trình đạt chuẩn CTI-ENAEE, 1 chương trình đạt chuẩn ACBSP và 1 chương trình đạt chuẩn FIBBA. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM còn tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các trường đại học về KĐCLGD. Trong đó, các chuyên gia thuộc ĐHQG-HCM phân tích rõ lợi ích, thách thức, các bước kiểm định, điểm tương đồng, khác biệt giữa các bộ tiêu chuẩn. Công tác kiểm định chất lượng có vai trò rất quan trọng, giúp các đơn vị tự nhận ra điểm mạnh, điểm hạn chế để cải tiến liên lục. Ở ĐHQG-HCM, văn hóa chất lượng đã hình thành và lan tỏa trong toàn hệ thống.

Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống, kết nối và triển khai hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, đánh giá, kiểm định tại các trường thành viên. Cụ thể, năm 2020 Trường ĐH KHXH&NV sẽ tham gia đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn AUN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn HCERES, 4 chương trình tham gia đánh giá AUN-QA. ĐHQG-HCM cũng khuyến khích các trường sẽ lên kế hoạch để đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn khác trong nước và quốc tế như bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, bộ tiểu chuẩn ABET, AACSB, FIBBA…

Vào năm 2021, ĐHQG-HCM đăng cai tổ chức hội nghị AUN về đảm bảo chất lượng. Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ các chuyên gia hàng đầu về công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng nhằm nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực ASEAN cũng như các trường đại học đối tác trên thế giới.

TS Gilpin Faust – Nữ hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard – Hoa Kỳ, khi sang thăm và nói chuyện với các sinh viên ĐHQG-HCM tại Trường ĐH KHXH&NV – đã nói: “Bản chất của một đại học là nơi duy nhất chịu trách nhiệm đối với những gì đã qua và những gì sẽ xảy ra trong tương lai, chứ không đơn giản là những gì đang xảy ra trong hiện tại”. Gắn kết và phục vụ cộng đồng chính là trách nhiệm mà ĐHQG-HCM cam kết với xã hội trước những vấn đề phát triển của hiện tại và tương lai.

Năm 2008 được xem là cột mốc đánh dấu giá trị phục vụ cộng đồng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội các địa phương của ĐHQG-HCM. Đến nay, ĐHQG-HCM đã định vị khu vực liên kết và phục vụ cộng đồng là Đông Nam bộ (ưu tiên TP.HCM và tỉnh Bình Dương), Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Trong suốt 25 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM luôn tích cực và chủ động mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước, trong đó ký kết chính thức với 10 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bạc Liêu; đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác tiềm năng với một số địa phương mới như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp.

Với TP.HCM, ĐHQG-HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển khoa học kỹ thuật và phục vụ phát triển kinh tế thành phố. Mỗi năm, ĐHQG-HCM thực hiện khoảng 20% đề tài, dự án do sở KH&CN TP.HCM quản lý. ĐHQG-HCM kề vai với TP.HCM trong nhiều dự án KH&CN mũi nhọn như công nghệ vi mạch, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học.

Năm 2018 ĐHQG-HCM và UBND TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018-2020. Nội dung hợp tác được phủ rộng trong 8 chương trình: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường; hợp tác phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ giữa ĐHQG-HCM với Khu Công nghệ cao TP; phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2030. Với những thành quả rõ rệt trong hợp tác trước đó, ĐHQG-HCM tự tin thực hiện hoàn thành đầy đủ với hiệu quả cao nhất những nội dung đã ký kết; quyết tâm cùng TP phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt là hoàn thành 7 chương trình đột phá của TP, góp phần phát triển TP trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; sớm trở thành một trong những trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Đối với tỉnh Bình Dương, ĐHQG-HCM đã có nền tảng hợp tác từ rất sớm, trong đó giai đoạn 2013-2017 đã có 5 nhóm dự án được triển khai gồm: Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bình Dương; xây dựng, phát triển trường Phổ thông Năng khiếu; hỗ trợ đại học và doanh nghiệp của tỉnh; khai thác Dự án Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An. Năm 2017, ĐHQG-HCM và UBND ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2022. Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao… nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh.

Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía Nam, ĐHQG-HCM xác định vùng trọng tâm hợp tác liên kết và phục vụ là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì chương trình khoa học cấp quốc gia “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (Chương trình Tây Nam bộ).

Chương trình đặt ra mục tiêu nghiên cứu các giải pháp KHCN liên ngành, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Các nhiệm vụ KHCN đã gắn với đời sống của người dân, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực của vùng. Các nghiên cứu cũng góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển.

Tính đến nay Chương trình Tây Nam bộ có 63 nhiệm vụ đã và đang thực hiện với nhiều nội dung và kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào việc nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm như lúa gạo, xoài, bưởi, cam sành, tôm, cá tra, nghêu…

Túi trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất được người dân sử dụng trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, ĐHQG-HCM còn thực hiện chuyển giao hàng loạt sản phẩm về mô hình tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, công nghệ sấy nông sản sử dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác, các thiết bị phục vụ nông nghiệp thông minh…

Doanh thu chuyển giao khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM mỗi năm đạt trung bình hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là năm 2016 với doanh thu hơn 257 tỷ đồng, năm 2017 hơn 249 tỷ đồng, năm 2018 hơn 254 tỷ đồng.

Đến nay hoạt động phục vụ cộng đồng của ĐHQG-HCM đã có một chiến lược xuyên suốt với những mục tiêu cụ thể và những dự án rộng khắp các vùng kinh tế phía Nam. Việc phục vụ cộng đồng ngày càng trở nên hiệu quả với những mô hình kinh tế kết nối chặt chẽ với các địa phương.